Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2025 và đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ
<Ngày đăng: 27/12/2024>
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 12/12/2024 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành KSND năm 2025; Kế hoạch số 240/KH-VKSTC ngày 23/10/2024 của VKSND tối cao về tổng kết công tác năm 2024 và triển khai công tác năm 2025; ngày 26/12/2024, VKSND tỉnh Nam Định đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2025 bằng hình thức trực tiếp tại trụ sở VKSND tỉnh và trực tuyến đến 09 VKSND cấp huyện. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao và các đồng chí trong Đoàn công tác của VKSND tối cao; đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Mai Thanh Long, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hà Lan Anh, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng, các cơ quan trong Khối Nội chính tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Đảng uỷ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn Viên chức tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh; các đồng chí nguyên Lãnh đạo VKSND tỉnh qua các thời kỳ, các đồng chí Lãnh đạo Phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh nghỉ hưu trong năm 2024. Về phía VKSND tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Hậu, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng uỷ, Viện trưởng VKSND tỉnh chủ trì Hội nghị; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tỉnh; các đồng chí Lãnh đạo Phòng và tương đương, Lãnh đạo VKSND cấp huyện và toàn thể công chức, người lao động VKSND hai cấp tỉnh Nam Định.
Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Báo cáo tổng kết năm 2024 của VKSND tỉnh Nam Định nêu rõ: Năm 2024 là năm tiếp theo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; với phương châm “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả”, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao và cấp uỷ địa phương, ngành KSND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, nỗ lực vượt qua khó khăn, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác; thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu công tác theo Nghị quyết của Quốc hội, Hệ thống chỉ tiêu của Ngành, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các kết quả nổi bật được thể hiện như sau:
Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh,
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
1. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết án hình sự
VKSND hai cấp tỉnh Nam Định đã thực hành quyền tố, kiểm sát giải quyết 1891 nguồn tin về tội phạm (tăng 193 tin so với cùng kỳ năm 2023); thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 1353 vụ 2336 bị can; Viện kiểm sát giải quyết 1218 vụ 2101 bị can; thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử theo trình tự sơ thẩm, phúc thẩm 1509 vụ 2647 bị cáo; trực tiếp kiểm sát 50 cuộc đối với Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra lĩnh vực giải quyết nguồn tin về tội phạm (vượt 38 cuộc so với chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành); tiến hành 87 cuộc trực tiếp kiểm sát tại Công an cấp xã trong việc tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ nguồn tin về tội phạm (tăng 15 cuộc so với năm 2023). Ban hành 33 yêu cầu khởi tố vụ án (tăng 12 yêu cầu so với năm 2023), 23 yêu cầu khởi tố bị can (tăng 14 yêu cầu so với năm 2023), 57 yêu cầu kiểm tra, xác minh, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ bảo đảm thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các giai đoạn tố tụng (tăng 44 yêu cầu so với năm 2023); 114 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và kiến nghị yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm đối với Cơ quan hữu quan (vượt 78 kiến nghị so với chỉ tiêu nghiệp vụ Ngành); xác định 174 vụ án trọng điểm (vượt 107 vụ so với chỉ tiêu nghiệp vụ Ngành); án do Viện kiểm sát giải quyết đạt 100% (vượt 5% so với chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành); chủ động, phối hợp với Tòa án tổ chức 305 phiên tòa rút kinh nghiệm (tăng 15 phiên tòa so với năm 2023, vượt chỉ tiêu 33 phiên toà), 40 phiên tòa lưu động; ban hành kháng nghị đối với 06 vụ 09 bị cáo, Toà án đã xét xử chấp nhận 06 vụ 09 bị cáo, đạt tỉ lệ 100% (vượt 30% so với chỉ tiêu tiêu nghiệp vụ của Ngành);.... Tất cả các nguồn tin về tội phạm; các vụ án hình sự đều được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án giải quyết đúng theo quy định của pháp luật; không có vụ án, bị can nào phải đình chỉ điều tra do không phạm tội; không có bị cáo nào Viện kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên không phạm tội hoặc tuyên khác tội danh, điều, khoản Viện kiểm sát truy tố hoặc bị Toà án cấp trên huỷ án để điều tra, xét xử lại.
Đặc biệt, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy Nam Định ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 25/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm trên địa bàn tỉnh; tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành do Tỉnh ủy tổ chức kiểm tra một số Huyện ủy trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phân công các Phòng nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Cơ quan điều tra Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh thiết lập nhiều chuyên án đấu tranh triệt phá thành công các ổ nhóm tội phạm trên không gian mạng, tội phạm xuyên biên giới; điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án trọng điểm, nhiều vụ án về tham nhũng, kinh tế, ma túy để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được Cấp ủy, Chính quyền các cấp và dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ.
Đồng chí Nguyễn Văn Hậu, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng uỷ,
Viện trưởng VKSND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
2. Công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp khác
VKSND hai cấp tỉnh Nam Định đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật, như: Biệt phái Kiểm sát viên trung cấp ở VKSND cấp huyện kiểm sát giải quyết các vụ án do TAND tỉnh ủy quyền cho TAND cấp huyện giải quyết; phân công công tác kiểm sát giải quyết dân sự cho tất cả các Phòng nghiệp vụ thuộc VKSND tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn, cuộc thi nghiệp vụ,... Các giải pháp nêu trên đã tháo gỡ vấn đề thiếu biên chế, giảm áp lực công việc đối với Phòng 9, giúp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, tạo chuyển biến đột phá trong khâu công tác này, cụ thể là: VKSND hai cấp đã kiểm sát giải quyết 4688 (tăng 36 vụ so với năm 2023) vụ án hành chính; vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật đúng thời hạn quy định; tham gia 1421 phiên tòa thuộc trách nhiệm phải tham gia; ban hành 68 yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ, 53 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và kiến nghị yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm đối với các cơ quan hữu quan (vượt 13 kiến nghị so với chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành). Trong thời điểm đã ban hành 10 kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm đã tiến hành xét xử 08 vụ, chấp nhận 08 kháng nghị (đạt tỉ lệ 100%, vượt 30% so với chỉ tiêu của Ngành).
Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh,
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tặng hoa chúc mừng VKSND tỉnh
VKSND hai cấp đã tiến hành trực tiếp kiểm sát 74 cuộc tại các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, Cơ quan Thi hành án hình sự (vượt 24 cuộc so với chỉ tiêu của Ngành); trực tiếp kiểm sát 15 cuộc tại Cơ quan Thi hành án dân sự(vượt 5 cuộc so với chỉ tiêu của Ngành);trực tiếp kiểm sát việc quản lý, giáo dục các trường hợp phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ tại 102 UBND cấp xã; trực tiếp xác minh 1482/2241 trường hợp Cơ quan Thi hành án dân sự xếp vào diện chưa có điều kiện thi hành (tăng 32 lượt so với năm 2023). Thông qua công tác kiểm sát đã ban hành 83 kiến nghị, kháng nghị đối với các cơ quan hữu quan (vượt 16 kiến nghị); 07 yêu cầu kiểm tra xác minh, áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản. VKSND tỉnh đã tăng cường phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh thi hành án dứt điểm 11 việc khó khăn, phức tạp tương ứng với số tiền 151 tỷ đồng, trong đó, thu về cho Nhà nước số tiền trên 51 tỷ đồng. Trong giai đoạn truy tố, Kiểm sát viên đã trực tiếp vận động bị can nộp lại số tiền trên 5 tỷ đồng chiếm hưởng bất chính trong các vụ án Mua bán trái phép hóa đơn và Trốn thuế.
Công tác tiếp dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp luôn được quan tâm chú trọng giải quyết triệt để, đúng quy định. Trong thời điểm đã tiến hành 16 cuộc trực tiếp kiểm sát đối với các cơ quan hữu quan về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (vượt 6 cuộc so với chỉ tiêu nghiệp vụ Ngành); ban hành 16 kết luận, 02 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm; tham gia 05 cuộc họp Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh; đồng thời, làm tốt công tác tham mưu trong việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao.
Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao
trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho VKSND tỉnh
VKSND hai cấp đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, như: Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án khoa học cấp tỉnh với nội dung: "Số hoá hồ sơ, công bố tài liệu chứng cứ tại phiên tòa" được UBND tỉnh phê duyệt với số tiền 950.000.000 đồng; tiến hành số hóa đối với 1784 hồ sơ trong lĩnh vực hình sự, dân sự; báo cáo án bằng sơ đồ tư duy đối với 1201 vụ án hình sự, dân sự; trình chiếu tài liệu, chứng cứ được số hóa tại 223 phiên tòa, 45 phiên tòa trực tuyến; xây dựng và làm giàu Kho dữ liệu điện tử, áp dụng hiệu quả vào công tác đào tạo, tự đào tạo trong ngành KSND tỉnh; nâng cấp ứng dụng phòng họp không giấy, áp dụng rộng rãi vào các cuộc họp ở 2 cấp; nghiên cứu, đưa ra giải pháp hữu ích về công nghệ thông tin áp dụng trong việc theo dõi các thời hạn tố tụng; triển khai ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử trong công tác Đảng; tổ chức thành công cuộc thi “Báo cáo án hình sự bằng Sơ đồ tư duy” trong ngành KSND tỉnh… Năm 2024, VKSND tỉnh được VKSND tối cao xếp hạng 12/63 tỉnh, thành về thực hiện bộ chỉ số ứng dụng Công nghệ thông tin. VKSND tỉnh và 01 tập thể, 03 cá nhân thuộc VKSND tỉnh được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen trong công tác chuyển đổi số trong ngành KSND.
Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao
trao tặng Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân" cho Phòng 2 VKSND tỉnh,
VKSND thành phố Nam Định, VKSND huyện Nghĩa Hưng và danh hiệu thi đua
“Tập thể lao động xuất sắc” cho Phòng 9 VKSND tỉnh
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành; công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo VKSND hai cấp tiếp tục được tăng cường, có nhiều đổi mới theo hướng tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên tất cả các lĩnh vực, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức cán bộ và công tác nghiệp vụ; gắn công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên. Bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý, phù hợp với sở trường, năng lực của từng người, nhất là những đơn vị ở địa bàn trọng điểm, phức tạp. Các Phòng nghiệp vụ và VKSND cấp huyện xây dựng kế hoạch phân công, kèm cặp, bồi dưỡng, đào tạo tại chỗ theo hướng “cầm tay chỉ việc” cho công chức mới được tuyển dụng, mới được bổ nhiệm chức danh tư pháp; công chức mới được điều động về đơn vị; công chức còn hạn chế về kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, ứng dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt, căn cứ vào khối lượng, tính chất công việc của các đơn vị, năng lực, kinh nghiệm và sở trường công tác của công chức, Lãnh đạo VKSND tỉnh trực tiếp quyết định phân công nhiệm vụ của Phòng nghiệp vụ này làm nhiệm vụ của Phòng nghiệp vụ khác. Công tác kiểm tra, thanh tra được tăng cường góp phần chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm công vụ của công chức, người lao động. Công tác thông tin, tuyên truyền; hoạt động của các đoàn thể ngày càng đổi mới đáp ứng yêu cầu thực chất, hiệu quả. VKSND hai cấp tiếp tục phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị địa phương.
Trong thời điểm đã hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức bộ máy cơ sở vật chất của 2 đơn vị VKSND huyện Mỹ Lộc và VKSND thành phố Nam Định theo đúng Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 ngày 23/7/2024 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Nam Định, chỉ đạo của VKSND tối cao và cấp uỷ cấp trên.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Với những kết quả nổi bật, toàn diện; năm 2024, VKSND tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 04 đơn vị được công nhận là "Tập thể lao động xuất sắc", trong đó có 03 đơn vị được VKSND tối cao tặng "Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân"; 01 tập thể và 04 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 39 cá nhân đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở", 02 cá nhân được tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân", 06 cá nhân được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen; nhiều tập thể, cá nhân được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, Bộ trưởng Bộ Công an có Thư khen do có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và công tác thi hành án, Viện trưởng VKSND tỉnh tặng Giấy khen trong các phong trào thi đua do VKSND tỉnh phát động.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định ghi nhận, đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương những cố gắng nỗ lực, kết quả, thành tích mà ngành KSND tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Các đồng chí đề nghị VKSND tỉnh Nam Định tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Quy định số 132 ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”; tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. Phối hợp tham mưu đưa các vụ việc, vụ án vào diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh theo dõi chỉ đạo; đề xuất cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định. Phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tham mưu xây dựng Chương trình, Kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong Khối Nội chính của tỉnh làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Đẩy nhanh tiến độ khởi tố, điều tra, truy tố, sớm đưa ra xét xử các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm. Tăng cường công tác trao đổi thông tin với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh theo Quy chế phối hợp, để đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan sai, không để bỏ lọt tội phạm. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo; kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh, nổi cộm, phức tạp để tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo xử lý phục vụ công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh.
Chủ động, quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và chỉ đạo của Ban cán sự đảng VKSND tối cao. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh để tổ chức thành công đại hội chi bộ, Đại hội Đảng bộ VKSND hai cấp của tỉnh. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ; xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết trong cơ quan, đơn vị; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm những vi phạm và biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện, nhiệm vụ được giao.
Toàn cảnh Hội nghị
Năm 2025, với phương châm công tác “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả” VKSND hai cấp tỉnh Nam Định tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết của HĐND tỉnh, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó; tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy trong ngành KSND tỉnh đảm bảo “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo Nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của VKSND tối cao và Tỉnh ủy Nam Định; nâng cao hơn nữa chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, coi trọng chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao. Tập trung thục hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đột phá, khâu đột phá theo Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao và kế hoạch công tác của VKSND tỉnh Nam Định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; triển khai mạnh mẽ các giải pháp chuyển đổi số trong ngành KSND; hoàn tất các thủ tục đầu tư để khởi công thực hiện dự án xây dựng trụ sở VKSND tỉnh, trong đó địa phương quan tâm hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư; đồng thời, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Văn phòng - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định
|
|