\

 

Chi hội Luật gia Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định tổ chức đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

 

<Ngày đăng: 21/5/2025>

Thực hiện kế hoạch số 14/KH-HLG ngày 09/5/2025 của Hội Luật gia tỉnh Nam Định về việc lấy ý kiến các cấp Hội và hội viên Hội Luật gia tỉnh về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chi hội Luật gia VKSND tỉnh Nam Định triển khai việc lấy ý kiến tham gia góp ý của các thành viên Hội luật gia VKSND tỉnh. Kết quả đóng góp ý kiến cụ thể như sau:

Các ý kiến góp ý đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; phạm vi sửa đổi, bổ sung và nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; thống nhất hình thức văn bản là Nghị quyết của Quốc hội. Các ý kiến đều nhận định, đánh giá: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Qua thảo luận, có một số ý kiến góp ý vào từng điều như sau:

sk

Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (hình minh hoạ)

1. Về quy định tại điểm 3 khoản 1 Điều 1 dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 9 Hiến pháp 2013)

Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm cụm từ “Tổ quốc Việt Nam” vào sau cụm từ “Mặt trận” quy định tại điểm 3 khoản 1 Điều 1 dự thảo để đảm bảo tính chính xác, chặt chẽ, nhất quán của ngôn ngữ pháp lý và đầy đủ tên gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo đó, điểm 3 khoản 1 Điều 1 dự thảo được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều lệ của mỗi tổ chức. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội khác hoạt động”.

2. Về quy định tại khoản 2 Điều 1 dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 10 Hiến pháp 2013)

Dự thảo bổ sung cụm từ "là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn" là cần thiết để khẳng định vai trò không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam trong việc đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động ở cấp quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, nếu quy định chung như dự thảo là Công đoàn Việt Nam thì có thể dẫn đến cách hiểu tất cả các cấp Công đoàn bao gồm cả cấp cơ sở cũng có thẩm quyền này. Điều này không phù hợp thực tế và không thuận lợi, nhất là khi có sự hình thành các tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở mà các tổ chức này lại đưa yêu sách có quyền như tổ chức Công đoàn ở cơ sở. Do vậy, có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 1 dự thảo như sau:

“Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động; Cơ quan Trung ương của Công đoàn Việt Nam là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

3. Về quy định tại khoản 3 Điều 1 dự thảo (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 84 Hiến pháp 2013)

Thực tiễn xây dựng pháp luật trong thời gian qua cho thấy Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bên cạnh việc trình các dự án luật trước Quốc hội, trình các dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn trình các nghị quyết. Do vậy, có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 1 dự thảo như sau:

“Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền trình dự án luật, nghị quyết trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh, nghị quyết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

sk

Ban Chấp hành Chi hội Luật gia VKSND tỉnh Nam Định, nhiệm kỳ 2022-2027

4. Về quy định tại khoản 8 Điều 1 dự thảo (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115 Hiến pháp 2013)

Chất vấn là một công cụ giám sát quan trọng nhằm đảm bảo các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm giải trình trước Đại biểu dân cử và Nhân dân. Theo quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động chất vấn thì hoạt động chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân không nhằm can thiệp vào nội dung xét xử hay truy tố của vụ án cụ thể, mà tập trung vào trách nhiệm quản lý, việc tổ chức thi hành và tuân thủ pháp luật của Chánh án Toà án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Việc duy trì quyền chất vấn là cần thiết để đảm bảo tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp. Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Toà án nhân dân và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này thì mô hình tổ chức của Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân có 3 cấp: Tối cao, cấp tỉnh và khu vực. Như vậy, việc trao quyền chất vấn cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là phù hợp, khả thi. Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh không những phải trả lời chất vấn những vấn đề thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh mà còn phải trả lời chất vấn những vấn đề thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực. Do vậy, có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 8 Điều 1 dự thảo như sau:

“2. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu.

Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có quyền chất vấn Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có quyền kiến nghị đối với Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân khu vực, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân khu vực. Người đứng đầu cơ quan này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu”.

Các hội viên Chi hội Luật gia VKSND tỉnh Nam Định đều tin tưởng rằng các quy định của Hiến pháp sửa đổi, bổ sung sẽ nhanh chóng được thể chế hoá trong các văn bản quy phạm pháp luật nhất là các văn bản quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, góp phần xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới./.

Chi hội Luật gia Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định

 

 

 

 

 

 

Bac Ho dayPhuong_chamXay_dungNDBVLVNCNTTXay_dungCDSTL

VB

     
     
     

Trang thông tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định
Trụ sở : Số 04 - Hà Huy Tập - Thành phố Nam Định; Điện thoại : 0228.3849429
Giấy phép số 01/GP-TTĐT-STTTT ngày 18/5/2023 của Sở TT&TT tỉnh Nam Định
© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định thiết kế và giữ bản quyền.