<Đăng ngày 06/6/2024>

Đơn vị: VKSND huyện Vụ Bản
Trần Trọng Hiếu


Tên bài viết: "Người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 260 BLHS, sau khi được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS, có bắt buộc phải xử phạt hành chính hay không?"

 

Nguyễn Văn A là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có giấy phép lái xe theo quy định. Khoảng 07 giờ ngày 01/6/2023, Nguyễn Văn A điều khiển xe mô tô (có dung tích xi lanh 100cm3) đi vào phần đường dành cho xe thô sơ và xô vào phía sau xe đạp do bà Phạm Thị X điều khiển đi phía trước cùng chiều. Hậu quả bà X bị ngã ra đường dẫn đến chấn thương sọ não và tử vong. Xét thấy hành vi của Nguyễn Văn A vi phạm khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ nên Cơ quan CSĐT Công an huyện N đã khởi tố Nguyễn Văn A về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS. Ngày 15/7/2023 Cơ quan CSĐT Công an huyện N kết thúc điều tra đề nghị truy tố Nguyễn Văn A về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS. Trong quá trình thụ lý hồ sơ vụ án, đại diện hợp pháp của bà Phạm Thị X có đơn đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn A do hai bên đã tự nguyện hoà giải, Nguyễn Văn A đã tự nguyện bồi thường thoả đáng cho gia đình bà Phạm Thị X. Xét thấy có đủ căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS, ngày 25/7/2023 VKSND huyện N đã ra quyết định đình chỉ vụ án và đình chỉ bị can đối với Nguyễn Văn A và quyết định xử lý các vật chứng trong vụ án.

Sau khi VKSND huyện N đình chỉ vụ án và đình chỉ bị can đối với Nguyễn Văn A, có quan điểm cho rằng VKSND huyện N phải chuyển hồ sơ cho Công an huyện N để đề nghị xử phạt hành chính đối với Nguyễn Văn A do Nguyễn Văn A đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ, căn cứ để chuyển hồ sơ là quy định tại Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tại khoản 1 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Đối với vụ việc do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm (nếu có) và văn bản đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định có hiệu lực”.

Như vậy điều luật đã quy định rất rõ về các trường hợp phải chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để đề nghị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng còn có hai quan điểm khác nhau trong một số trường hợp cụ thể, có quan điểm cho rằng tất cả các vụ việc nếu không xử lý về hình sự đều phải chuyển để đề nghị xử phạt hành chính, quan điểm khác cho rằng chỉ tuỳ từng vụ việc. Do chưa có văn bản hướng dẫn của ngành cấp trên nên ở mỗi địa phương khác nhau có một cách giải quyết khác nhau, chưa thống nhất. Vấn đề là ở chỗ hiểu đúng thế nào là “hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính” được quy định trong điều luật.

Trước hết vụ việc do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (THTT) hình sự thụ lý, giải quyết phải được hiểu là vụ việc có dấu hiệu tội phạm, sau khi thụ lý cơ quan THTT tiến hành thực hiện các biện pháp xác minh, điều tra, xem xét, đánh giá chứng cứ và các vấn đề khác một cách đầy đủ, toàn diện theo quy định của Bộ luật TTHS. Khi cơ quan THTT có thẩm quyền ra một trong các quyết định hay bản án nêu trong điều luật thì phải xác định rõ hành vi của người đã thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trong vụ việc có dấu hiệu vi phạm hành chính hay không thì mới chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền để đề nghị xử phạt hành chính.

Trong trường hợp này, chúng tôi thấy hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của Nguyễn Văn A gây hậu quả làm chết 1 người là hành vi vi phạm pháp luật hình sự được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS nên Nguyễn Văn A phải chịu xử lý về trách nhiệm hình sự. Việc VKSND huyện N đình chỉ vụ án và đình chỉ bị can đối với Nguyễn Văn A là miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn A theo chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam, hay hiểu một cách khác là Nguyễn Văn A đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự và khi kết thúc việc truy cứu trách nhiệm hình sự Nguyễn Văn A đã “bị xử lý về hình sự”  theo luật tố tụng hình sự bằng hình thức miễn truy cứu trách nhiệm hình sự (hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm pháp luật). Xét về góc độ lý luận thì một hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một lần. Như vậy, trong trường hợp này Nguyễn Văn A không phải chịu trách nhiệm pháp lý nào khác sau khi đã được VKSND huyện N đình chỉ bị can.

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin nêu ra quan điểm để bạn đọc cùng tham khảo và cho ý kiến đóng góp, đề nghị các ngành tố tụng cấp trên có hướng dẫn kịp thời để áp dụng thống nhất mà đặc biệt là tránh gây hậu quả bất lợi về pháp lý cho người dân.

 

Trần Trọng Hiếu - Phó Viện trưởng VKSND huyện Vụ Bản

 

 

 

 

Bac Ho day tdtl

Phuong_chamXay_dungBac

VB

     
     
     

Trang thông tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định
Trụ sở : Số 04 - Hà Huy Tập - Thành phố Nam Định; Điện thoại : 0228.3849429
Giấy phép số 01/GP-TTĐT-STTTT ngày 18/5/2023 của Sở TT&TT tỉnh Nam Định
© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định thiết kế và giữ bản quyền.