<Đăng ngày 06/6/2024> Đơn vị: Phòng 2 - VKSND tỉnh Nam Định Tên bài viết: "Một số tình huống còn có nhiều quan điểm khác nhau trong quá trình áp dụng pháp luật"
1. Tình huống thứ nhất: Có thể khởi tố đối với Nguyễn Văn A về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung “Tái phạm nguy hiểm” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hay không? Năm 2022, Nguyễn Văn A bị kết án và tại bản án này đã được xác định là “tái phạm”. Đến năm 2024, A có hành vi dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 08%. Sau khi vụ việc xảy ra, người bị hại không yêu cầu khởi tố đối với A. Trong quá trình giải quyết, có 02 quan điểm xử lý đối với A như sau: - Quan điểm thứ nhất: Có thể khởi tố NguyễnVăn A về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 134 BLHS bởi: Hành vi dùng hung khí nguy hiểm, gây thương tích cho người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 08% (dưới 11%) của A đã cấu thành khoản 1 Điều 134 BLHS, không phụ thuộc vào người bị hại có yêu cầu hay không yêu cầu khởi tố. Đồng thời, yêu cầu của người bị hại không liên quan đến cấu thành của tội phạm này mà chỉ là điều kiện đủ để khởi tố nếu hành vi của A thuộc khoản 1 Điều 134 BLHS. Do đó, nếu hành vi của A đã cấu thành khoản 2 Điều 134 BLHS thì không còn thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật TTHS: Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại: “1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134,…”. - Quan điểm thứ hai: Không thể khởi tố Nguyễn Văn A về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 134 BLHS. Mặc dù hành vi của A có dấu hiệu quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố nên căn cứ vào khoản 1 Điều 155 Bộ luật TTHS thì không thể khởi tố đối với A. Vì vậy đã không thể khởi tố A theo cấu thành cơ bản của khoản 1 Điều 134 BLHS thì không thể khởi tố A theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 134 BLHS. * Quan điểm của tác giả: Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất. 2. Tình huống thứ hai: Xử lý Nguyễn Văn B về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại khoản 1 hay khoản 2 Điều 260 BLHS. NguyễnVăn B có giấy phép lái xe ô tô hạng B2 theo quy định. Ngày 20/4/2024, B điều khiển xe ô tô con loại 04 chỗ trong thành phố X và có hành vi vượt đèn đỏ nên bị Công an thành phố X xử phạt vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong thời hạn 02 tháng. Đến ngày 15/5/2024, A tiếp tục điều khiển xe ô tô con loại 04 chỗ tham gia giao thông và gây hậu quả chết người. Đối với vụ việc trên, hiện nay có 02 luồng quan điểm như sau: - Quan điểm thứ nhất: Xử lý hành vi của B về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 260 BLHS với tình tiết định khung “Làm chết người” vì B đã có giấy phép lái xe theo quy định. - Quan điểm thứ hai: Xử lý hành vi của B về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 260 BLHS với tình tiết định khung “Không có giấy phép lái xe theo quy định”. Mặc dù, B đã có giấy phép lái xe theo quy định nhưng khi thực hiện hành vi phạm tội thì B đã bị tước giấy phép lái xe, đồng nghĩa với việc là hiện tại, B không có giấy phép lái xe theo quy định. - Quan điểm của tác giả: Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Trên đây là một số tình huống còn có nhiều quan điểm khác nhau trong quá trình áp dụng pháp luật, mong nhận được sự góp ý, thảo luận của các đồng nghiệp. Nguyễn Đức Long, Kiểm sát viên sơ cấp Phòng 2 VKSND tỉnh Nam Định
|
|
|
Trang thông tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định Trụ sở : Số 04 - Hà Huy Tập - Thành phố Nam Định; Điện thoại : 0228.3849429 Giấy phép số 01/GP-TTĐT-STTTT ngày 18/5/2023 của Sở TT&TT tỉnh Nam Định © Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định thiết kế và giữ bản quyền. |