Quy định về việc không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 3 Điều 28 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có còn phù hợp với tình hình hiện nay hay không?
<Ngày đăng: 29/05/2024>
Những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được cả hệ thống chính trị vào cuộc với nhận thức ngày càng rõ hơn, thực hiện với quyết tâm ngày càng cao hơn. Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã lan tỏa rất mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” như chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bộ Chính trị đã ban hành nhiều văn bản có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực như Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán;… Các văn bản trên thể hiện chủ trương chính sách, quy định của Đảng và nhà nước ta về việc tăng cường, đẩy mạnh, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực; thu hồi triệt để tài sản thất thoát.
Ngành Kiểm sát nhân cũng thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trước tình hình diễn biến của tội phạm tham nhũng, chức vụ, kinh tế xảy ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều thủ đoạn phạm tội mới, có tính chất phức tạp, quy mô lớn, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 07/11/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác kiểm sát giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Trong đó Viện trưởng VKSND tối cao giao nhiệm vụ đối với Lãnh đạo VKSND các cấp ngành Kiểm sát nhân dân: “Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, quy định của pháp luật, nhất là các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo nguyên tắc rõ đến đâu xử lý đến đó, xử lý nghiêm minh nhưng đảm bảo nhân văn, thuyết phục trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Xác định công tác giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của toàn Ngành. Quá trình tham mưu cho Ban Chỉ đạo trong chỉ đạo giải quyết các vụ án, vụ việc, lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp phải nghiên cứu, nắm chắc những nguyên tắc, vấn đề cốt lõi của pháp luật và quan điểm chỉ đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ, thể hiện rõ năng lực, ý thức, bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp”. Hàng năm, Viện trưởng VKSND tối cao đều ban hành Chỉ thị công tác trong đó yêu cầu toàn ngành KSND phải tăng cường THQCT, kiểm sát giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ; thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước bị thất thoát.
Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ; qua nghiên cứu, rà soát, phát hiện những văn bản pháp luật có sơ hở, bất cập hoặc chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với chủ trương, chính sách, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tôi xin đặt vấn đề và tham khảo ý kiến của các bạn đồng nghiệp, cụ thể là: Quy định về việc không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 3 Điều 28 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có còn phù hợp với tình hình hiện nay hay không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 27 BLHS thì "Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện”.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 28 BLHS quy định “Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật hình sự; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật hình sự”
Thực tế cho thấy, tội phạm tham nhũng, chức vụ thường khó bị phát hiện do người thực hiện hành vi phạm tội thường là người có chức vụ, có trình độ, kiến thức, có khả năng, điều kiện để che giấu hành vi phạm tội; thủ đoạn của tội phạm hết sức tinh vi và chỉ bị phát hiện khi có đơn tố cáo hoặc thông qua công tác thanh tra, kiểm tra. Sau khi phát hiện tội phạm, Cơ quan tiến hành tố tụng cần nhiều thời gian để thu thập tài liệu, chứng cứ làm căn cứ cho việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Điều này có thể dẫn đến hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 27 BLHS.
Việc BLHS năm 2017 hiện nay chỉ quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 và tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật hình sự là chưa phù hợp với chủ trương chính sách, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc tăng cường, đẩy mạnh, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực cũng như thực tế tình hình, diễn biến, tính chất, hậu quả của loại tội phạm này, dẫn đến khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, chức vụ và thu hồi tài sản của Nhà nước.
Để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, chức vụ trong giai đoạn hiện nay, theo quan điểm của tôi nên mở rộng phạm vi áp dụng quy định “Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”. Theo đó Khoản 3 Điều 28 BLHS năm 2017 nên sửa đổi theo hướng: “Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm tham nhũng, chức vụ thuộc chương XXIII các tội phạm về chức vụ của Bộ luật này”.
Rất mong nhận được sự chia sẻ ý kiến từ các đồng nghiệp
Trần Thị Phương Thảo - Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định
|
        

|